VÌ SAO CON KHÔNG CAO? NHỮNG LỖI SAI BỐ MẸ HAY MẮC PHẢI

Nhiều bố mẹ thắc mắc vì sao con mình thấp hơn các bạn cùng trang lứa? Vì sao bổ sung đủ loại thực phẩm mà con ăn mãi không chịu lớn? Liệu có những hành động quen thuộc tưởng chừng như vô hại hóa ra lại gây cản trở đến sự phát triển của trẻ? Bố mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây để kịp thời thay đổi cho con nhé!

1. Bế con nằm thẳng người quá sớm

Theo các bác sĩ, xương sống của trẻ sơ sinh còn khá mềm và yếu, do đó, việc bế con không đúng cách dễ gây ra tình trạng tổn thương lên cột sống như vẹo cột sống… Đối với nhiều người, trẻ sơ sinh cần được bế ngửa, nghĩa là trẻ sẽ nằm thẳng người trên hai tay của người bế. Tuy nhiên, việc thường xuyên bế ngửa như thế này lại gây sức ép lên cột sống của trẻ, từ đó con sẽ phát triển dị dạng, không thể cao được.

Vì vậy, tốt nhất cha mẹ nên bế con đúng cách như sau: Đảm bảo đầu của trẻ tựa vào ngực bạn. Sau đó, bạn trượt một bàn tay của mình từ dưới lên trên để đỡ cổ của trẻ. Rồi nhẹ nhàng di chuyển đầu bé về phía tay bạn. Tiếp đó là đặt tay còn lại của bạn dưới mông em bé.

2. Tập cho con ngồi quá sớm

Rất nhiều bố mẹ nóng vội cho con tập ngồi sớm, trẻ 100 ngày tuổi đã tự ngồi, đầu thì vẫn còn lắc lư, sắp gục xuống bàn chân đến nơi rồi. Trên thực tế, nếu trẻ chưa luyện lẫy, luyện bò nhiều thì gáy, cơ lưng, xương cổ và cột sống đều chưa đủ cứng cáp để đỡ toàn bộ phần đầu nặng.

Nếu để trẻ tự ngồi sớm sẽ rất dễ hình thành nên dáng người lưng gù, vẹo cột sống, 2 vai không cân. Vì vậy, cần phải chờ đến khi cột sống và cơ lưng đủ lực, đủ cứng mới có thể ngồi, đừng vì ngồi sớm vài tháng mà lưng gù cả đời.

3. Để con ngồi xếp chân chữ W

Trẻ đã biết đi cần phải tránh tư thế ngồi hình chữ W vì nó có thể ảnh hưởng đến cấu trúc đùi và dáng đi của bé. Khi bé đã quen với tư thế ngồi xếp chân W trong một thời gian nhất định, hai chân sẽ và vùng lưng sẽ có cảm giác bị căng thẳng, gò bó do không được duỗi ra. 

Trong trường hợp này, cha mẹ có thể gợi ý cho trẻ các dáng ngồi kiểu khác tốt hơn như tư thế ngồi khoanh chân, tư thế ngồi duỗi thẳng 2 chân,....

Xem thêm:

CẢNH BÁO TƯ THẾ NGỒI CHỮ W GÂY HẠI CHO XƯƠNG KHỚP CỦA CON

4. Cho trẻ ăn quá no

Nhiều phụ huynh ngộ nhận khi cho rằng trẻ ăn nhiều, ăn no sẽ có chiều cao vượt trội so với bạn bè cùng lứa. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Chuyên gia chỉ ra rằng, khi trẻ ở trạng thái đói thì tuyến yên sẽ tiết ra hormone tăng trưởng chiều cao, giúp kích thích hệ xương phát triển. Khi trẻ ăn quá no sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiết ra hormone tăng trưởng chiều cao khiến bé mãi lẹt đẹt.

Ngoài ra, bổ sung quá nhiều dinh dưỡng sẽ khiến trẻ mắc bệnh dậy thì sớm. Ở một giai đoạn nhất định, bé có thể cao hơn bạn bè nhưng khi hệ xương phát triển sớm và đóng sớm sẽ khiến bé thấp hơn bạn bè trong tương lai.

Bởi vậy mỗi bữa ăn, cha mẹ chỉ nên cho bé ăn no khoảng 80%, ngoài ra chú ý dinh dưỡng cân bằng tránh tình trạng bé kén ăn. Mỗi ngày, chú trọng bổ sung protein và rau củ xanh lá đậm cho bé.

5. Bổ sung quá nhiều canxi

Nhiều bố mẹ bổ sung canxi vô tội vạ cho trẻ, bởi lo ngại con thiếu canxi sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của xương. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo việc bổ sung canxi quá nhiều sẽ khiến hệ xương của bé phát triển sớm và đóng sớm, ảnh hưởng khả năng tăng trưởng chiều cao.

Lời khuyên dành cho cha mẹ là hãy bổ sung canxi từ thực phẩm an toàn hơn bổ sung canxi từ thuốc. Cho trẻ bú sữa mẹ cũng chính là cách bổ sung canxi tốt nhất.

Xem thêm:

SAI LẦM KHI LẠM DỤNG THUỐC CANXI ĐỂ CON TĂNG CHIỀU CAO

Muốn thúc đẩy chiều cao cho con thì bố mẹ phải quan tâm đến xương của con ngay từ khi mới lọt lòng. Bên cạnh việc cho con ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, vận động thường xuyên thì cha mẹ cũng cần lưu ý không phạm phải những sai lầm nêu trên trong quá trình phát triển của trẻ.

Huyền Thanh

Bình luận về bài viết

Bạn đang tìm trường mầm non cho bé? Khám phá các trường mầm non tốt gần bạn

Học ngoại ngữ với giáo viên bản ngữ, áp dụng các phương pháp giáo dục sớm tiên tiến

Trường mầm non chất lượng cao, cơ sở vật chất tốt, nhiều hoạt động ngoại khoá