Trẻ thay răng sữa tưởng chừng là điều hết sức bình thường mà đứa trẻ nào cũng sẽ trải qua. Nhưng đây cũng được coi là dấu mốc quan trọng trong quá trình trưởng thành của bé. Và nó cũng quyết định hàm răng của trẻ có đều, đẹp, chắc khỏe suốt đời hay không. Ba mẹ hãy lưu ý những điều sau khi trẻ thay răng sữa để có hàm răng đẹp nhé.
1. Trẻ thay răng sữa khi nào?
Thông thường, trẻ bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên khi 6 tháng tuổi. Và trẻ sẽ dần mọc đủ 10 răng sữa hàm trên, 10 răng sữa hàm dưới cho đến lúc 3 tuổi. Sau đó, các răng sữa sẽ rụng dần từ lúc trẻ 6-12 tuổi và thay thế bằng các răng vĩnh viễn. Cũng có trường hợp trẻ thay răng sớm hơn khi được 4 tuổi hoặc muộn hơn khi 8 tuổi. Như vậy, trẻ sẽ thay sữa xong khi 12 - 13 tuổi.
Trình tự thay răng của trẻ:
- 6-7 tuổi: thay răng cửa giữa hàm dưới.
- 7 tuổi: thay răng cửa giữa và răng cửa bên hàm trên.
- 7-8 tuổi: thay răng cửa bên hàm dưới.
- 8-9 tuổi: thay răng cối 1 hàm trên
- 9-10 tuổi: thay răng cối 1 hàm dưới
- 10-11 tuổi: thay răng nanh hàm trên.
- 11-12 tuổi: thay răng nanh hàm dưới.
- 11 tuổi: thay răng cối 2 hàm dưới.
- 12 tuổi: thay răng cối 2 hàm trên.
2. Cần lưu ý gì khi trẻ thay răng sữa?
2.1. Theo dõi quá trình phát triển răng sữa và răng vĩnh viễn
Ba mẹ hãy theo dõi quá trình rụng răng sữa và mọc răng vĩnh viễn của trẻ có theo thứ tự như trên không. Chẳng hạn, bé phải thay răng sữa sớm do tác động bên ngoài như ngã, tai nạn gãy răng thì cần đưa trẻ đến khám nha sĩ. Bởi vì răng sữa của trẻ rụng sớm thì rất có thể răng cửa vĩnh viễn sẽ không đủ chỗ để mọc sau đó hoặc mọc lệch, khấp khiểng.
Hay bất cứ quá trình bất thường nào như răng sữa chưa rụng răng vĩnh viễn đã mọc, hai răng cửa mọc thưa, răng mọc lệch thì cần khám nha sĩ ngay để có biện pháp can thiệp sớm giúp hàm răng của bé mọc đúng, ngay ngắn.
2.2. Nhắc nhở bé vệ sinh răng mỗi ngày
Ba mẹ nên nhắc nhở bé đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày vào sáng và buổi tối trước khi đi ngủ để tránh bị sâu răng, làm răng sữa rụng sớm. Đặc biệt, khi răng sữa của trẻ thay dần thành răng vĩnh viễn thì vệ sinh răng miệng càng phải chú ý hơn. Răng vĩnh viễn vẫn có thể bị sâu và khó chữa trị hơn nếu không được chăm sóc đúng cách.
Mới đầu ba mẹ có thể giúp bé đánh răng nhưng hãy chỉ dẫn để bé dần tự làm. Mẹ nên chuẩn bị cho bé chiếc bàn chải lông mềm, loại kem đánh răng phù hợp với độ tuổi của bé. Có thể các bé sẽ sợ cay và thích mùi hương.
Mỗi lần đánh răng của bé chỉ nên kéo dài 2 – 3 phút. Ngoài đánh răng, mẹ có thể cho bé súc miệng bằng nước đun sôi để nguội hoặc nước muối loãng sau mỗi bữa ăn để duy trì sức khỏe răng miệng.
2.3. Không nhổ răng sữa khi chúng chưa sẵn sàng rụng
Ba mẹ nên nhắc nhở bé không được tự ý nhổ răng sữa khi nó chưa đến thời gian rụng bởi có thể khiến chiếc răng vĩnh viễn mọc lên không đúng hàng lối. Một số trẻ có thói quen đưa lưỡi đẩy răng khi nó đang lung lay. Việc này có thể khiến chân răng bị nhiễm trùng, hàm răng bị lệch. Nếu bé gặp khó khăn trong việc nhổ răng sữa, hay đưa bé đến nha sĩ để được nhổ đúng cách.
2.4. Không nên chỉ ăn thức ăn mềm
Nếu ba mẹ nghĩ khi trẻ thay răng sữa thì nên ăn thức ăn mềm, băm nhỏ, nấu nhừ thì thực tế điều này không đúng. Ngược lại, chỉ ăn thức mềm cũng có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển hàm dưới của trẻ.
Các nha sĩ khuyên rằng, khi bé bước vào giai đoạn thay răng sữa nên bổ sung chất xơ, ăn thức ăn có độ cứng như: thịt bò, cà rốt, ngô, cần tây… Điều này sẽ kích thích quá trình thay răng, giúp răng trưởng thành mọc lên dễ dàng hơn, đồng thời cũng thúc đẩy quá trình phát triển của nướu răng, xương hàm và xương mặt.
2.5. Loại bỏ thói quen xấu của trẻ
Một số thói quen xấu của trẻ sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình thay răng như: mút tay, chạm tay hay đá lưỡi vào răng đang lung lay, sờ tay vào phần lợi đang chờ răng vĩnh viễn moc lên, cắn đồ vật, ăn đồ ngọt, đồ lạnh nhiều,... Ba mẹ hãy nhắc nhở để bé loại bỏ dần những thói quen này bởi nó có thể khiến hàm răng của bé bị xô lệch hoặc chậm mọc răng,...
2.6. Thăm khám nha sĩ thường xuyên
Các nha sĩ khuyên rằng nên khám răng ít nhất 2 lần/năm để đảm bảo răng khỏe mạnh. Trẻ đang trong giai đoạn thay răng sữa càng cần phải chăm kiểm tra răng lợi hơn. Nếu có điều kiện hãy cho bé đến nha sĩ khi các răng sữa đã đến thời gian nhổ, tránh tình trạng trẻ tự nhổ có thể gây biến chứng hoặc khi trẻ phải thay răng bất thường.
Ông bà ta chẳng phải có câu “Cái răng cái tóc là góc con người”, vì vậy, một hàm răng đẹp sẽ giúp trẻ trở nên tự tin hơn khi trưởng thành. Ba mẹ hãy lưu ý những điều trên khi trẻ thay răng sữa để có một hàm răng đẹp nhé.
Bình luận về bài viết