TRẺ HAY CẮN MÓNG TAY: THÓI QUEN NGUY HIỂM TƯỞNG CHỪNG VÔ HẠI

Trẻ hay cắn móng tay, trong mắt nhiều người có thể chỉ là một tật xấu vô hại của trẻ. Thực tế, thói quen này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân và là biểu hiện của một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ba mẹ nên quan sát trẻ thường xuyên để phát hiện cũng như có hướng điều trị sớm cho trẻ. 

1. Nguyên nhân trẻ hay cắn móng tay

Cắn móng tay là một trong những “thói quen thần kinh” thường thấy ở trẻ. Cắn móng tay là một trong những “thói quen thần kinh” thường thấy ở trẻ. Thói quen này nếu không chấm dứt khi còn nhỏ thì có khả năng tiếp tục khi ở tuổi trưởng thành. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ hay cắn móng tay:

Muốn tìm sự an ủi: Trẻ sơ sinh thường có phản xạ tư nhiên cho tay vào miệng để tạo cảm giác an toàn, mang lại cho trẻ cảm giác như đang ở bên bầu sữa mẹ. Đến khi trưởng thành, trẻ có thể biến nó thành thói quen mút tay, cắn móng tay mỗi khi cảm thấy thiếu an toàn, muốn tìm cảm giác thoải mái, an ủi.

Di truyền: Trẻ hay cắn móng tay cũng có thể do yếu tố di truyền từ bố mẹ. Tỉ lệ do di truyền khá thấp nhưng không có nghĩa là không có.

Bắt chước: Trẻ bắt chước người khác rất nhanh nên khi tiếp xúc với anh, chị em có thói quen hay cắn móng tay thì dần dần trẻ cũng học theo hành động đó. Bắt chước người khác có thể mang lại cho trẻ sự thích thú và cảm giác như mình cũng là người lớn.

Buồn chán: Những lúc tay chân không có việc gì làm như khi xem ti vi, nghe giảng,...một số trẻ vô thức cắn móng tay như để khỏa lấp sự nhàm chán, nhàn rỗi của đôi tay. Trong trường hợp này và các trường hợp trên thì ba mẹ chỉ cần nhắc nhở hoặc có biện pháp nghiêm khắc để trẻ thay đổi thói quen là được.

Thiếu sắt: Trẻ thiếu sắt thường có khuynh hướng lạ như cắn móng tay và da. Đây tưởng chừng là một việc vô nghĩa nhưng lại phản ánh tình trạng sức khỏe của trẻ. Ba mẹ cần lưu ý để bổ sung sắt cho trẻ. Để chắc chắn trẻ có thiếu sắt hay không, ba mẹ sờ lòng bàn tay trẻ và lòng bàn tay ba mẹ, nếu bàn tay trẻ không hồng hào, xanh xao, nhợt nhạt thì có khả năng trẻ thiếu sắt. Chính xác hơn nữa, ba mẹ có thể đưa bé đi thăm khám bác sĩ.

Căng thẳng, lo lắng, biểu hiện của vấn đề tâm lý: Những trẻ có vấn đề về tâm lý như tình trạng bất an, lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, thậm chí rối loạn cảm xúc.cũng thường cắn móng tay để giải tỏa những cảm xúc đó. Theo các bác sĩ tâm lý, một người hay cắn móng tay vì có vấn đề tâm lý thì nó chỉ thỏa mãn hay đem lại sự thoải mái tạm thời. Cắn móng tay không làm thỏa mãn người bệnh lâu dài mà còn có thể làm gia tăng lo âu. Nghiêm trọng hơn chính là trẻ tự kỷ, cắn móng tay sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhiều hơn.

Vì vậy, ba mẹ cần đặc biệt chú ý khi trẻ có biểu hiện cắn móng tay, xem đó là thói quen tự phát có thể thay đổi được hay do trẻ gặp vấn đề tâm lý để giúp trẻ thay đổi.

2. Trẻ hay cắn móng tay, tiềm ẩn nguy cơ gì?

Cắn móng tay, thói quen tưởng chừng vô hại của trẻ nhưng thực tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ:

-     Biến dạng răng, hàm: Cắn móng tay thường xuyên có thể khiến răng dịch chuyển, làm mẻ răng, hỏng men răng. Nhất là với trẻ chưa thay răng, răng sữa còn yếu dễ bị gãy, ảnh hưởng đến quá trình mọc răng của trẻ. Hàm răng cũng có thể bị xô lệch, bị hô, móm, hay tụt lợi,...

-     Nhiễm khuẩn: Có rất nhiều vi khuẩn gây bệnh ẩn nấp trong móng tay sẽ theo đường miệng của trẻ vào ruột, xuống dạ dày và gây bệnh cho cơ thể. Trẻ có thể bị viêm đường ruột, viêm dạ dày, cảm cúm,... nếu nhiễm khuẩn gây các bệnh đó.

-     Ngón tay biến dạng, nhiễm trùng: Nhiều trẻ có thói quen cắn móng tay đến mức các ngón tay trầy da nham nhở, lộ cả mảng thịt đỏ hồng. Lúc này, vi khuẩn dễ có cơ hội xâm nhập vào cơ thể, làm viêm mé móng, sưng tấy, tạo mủ. Vùng da thịt đầu ngón tay cũng sẽ bị nước bọt ăn mòn. Ngón tay sẽ dần biến dạng với vùng thịt với móng tay bị thu hẹp.

-     Ảnh hưởng giao tiếp: Những trẻ cắn móng tay do gặp vấn đề tâm lý thường cũng sẽ tự ti, chậm chạp trong giao tiếp, ít nói chuyện với mọi người. Điều này làm suy giảm chất lượng cuộc sống của trẻ, khiến trẻ mất tự chủ trong các cuộc giao tiếp, đánh mất cơ hội trong cuộc sống.

3. Khắc phục tình trạng trẻ hay cắn móng tay

Giải tỏa tâm lý cho trẻ

Hãy giúp trẻ luôn ở trạng thái vui vẻ, thoải mái thay vì những áp lực, lo âu khiến trẻ hình thành thói quen cắn móng tay trong vô thức. Ba mẹ nên dành thời gian chơi, học và trò chuyện cùng con để hiểu con đang cần điều gì, đang gặp vấn đề trong cuộc sống, học tập, bạn bè. Trẻ chưa thể có suy nghĩ chín chắn để tự giải tỏa tâm lý của bản thân trong những tình huống phức tạp nên ba mẹ hãy đồng hành, giúp trẻ khắc phục điều đó. Như vậy, trẻ sẽ không phải tìm đến những hành động như cắn móng tay để giải tỏa cảm xúc của mình.

Ngoài ra, gia đình thường xảy ra bất hòa, ba mẹ cãi nhau thì cũng là lý do khiến trẻ có tâm lý sợ hãi, lo âu nên ba mẹ chú ý tạo cho trẻ môi trường sống thoải mái, gia đình luôn hòa thuận, vui vẻ để trẻ mới phát triển bình thường, khỏe mạnh.

Đánh lạc hướng

Trẻ cắn móng tay khi bàn tay rảnh rỗi, không có việc gì làm. Vậy khắc phục tình trạng này chính là khiến đôi tay của trẻ luôn bận rộn. Ngay khi thấy trẻ có ý định đưa ngón tay lên miệng cắn thì hãy nhắc trẻ tham gia vào hoạt động nào đó như tích cực luyện tập thể thao, khuyến khích trẻ chơi những trò chơi bằng cả 2 tay như lắp ráp khối hình, chơi chuyền, tưới cây, trồng cây giúp ba mẹ,...

Khuyên bảo nhẹ nhàng

Ba mẹ không nên nóng giận khi thấy bé cắn móng tay. Chửi mắng có thể làm thói quen nhỏ trở thành vấn đề tâm lý. Hãy tìm cách nói chuyện với trẻ, giải thích nhẹ nhàng cho trẻ biết đó là việc làm không hay và tại sao các trẻ không nên làm, ảnh hưởng sức khỏe như thế nào. Ba mẹ có thể minh họa bằng hình ảnh cho trẻ dễ hiểu, dễ hình dung.

Vị đắng nhắc nhở

Một mẹo nhỏ cũng khá hay có thể khắc phục thói quen cắn móng ta của trẻ là “vị đắng nhắc nhở”. Ba mẹ nghiền mướp đắng lấy nước hoặc thứ gì có vị đắng bôi vào đầu tay của trẻ, hầu hết trẻ đều sợ vị đắng và dần bỏ tật cắn móng tay.

Phần thưởng

Hãy thảo luận với bé về một phần thưởng với điều kiện bé không cắn móng tay. Mẹ sẽ làm một bảng thời gian biểu, đánh dấu ngày bé không cắn móng tay. Đến cuối tháng, mẹ tính số ngày bé không cắn móng tay để trao thưởng. Những món quà có thể khiến bé thích thú và cố gắng thực hiện điều kiện không cắn móng tay. 

Cắt móng tay

Cắn móng tay sẽ khiến các viền móng tay của trẻ trở nên không đều nhau, vì vậy trẻ sẽ lại tiếp tục cắn. Do đó, kiến nghị mỗi ngày nên cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay sạch sẽ, điều này có thể thay đổi dần thói quen cắn móng tay.

Tư vấn tâm lý

Trường hợp trẻ cắn móng tay không phải do thói quen tự phát và hết sau một thời gian nhắc nhở thì có thể bé đang gặp vấn đề tâm lý nào đó. Ba mẹ nên cho trẻ đi khám tâm lý. Bác sĩ tâm lý sẽ đưa ra những lời khuyên và cách chữa trị tốt nhất cho trẻ. 

Bổ sung sắt

Nếu trẻ cắn móng tay do thiếu sắt thì ba mẹ hãy bổ sung sắt, canxi. Ngoài ra, cũng nên cân bằng dinh dưỡng cho trẻ, bữa ăn nên đầy đủ 4 nhóm chất: béo, đường, đạm và khoáng chất để bé luôn có cơ thể khỏe mạnh, tâm lý luôn thoải mái, hoạt động tích cực thì sẽ không có điều kiện để cắn móng tay nữa. 

Trên đây là những thông tin cơ bản về tật cắn móng tay ở trẻ mà các phụ huynh nên nắm được. Trẻ hay cắn móng tay sẽ không nguy hiểm nếu ba mẹ xác định được nguyên nhân và khắc phục kịp thời cho trẻ. 

Minh Thu

Bình luận về bài viết

Bạn đang tìm trường mầm non cho bé? Khám phá các trường mầm non tốt gần bạn

Học ngoại ngữ với giáo viên bản ngữ, áp dụng các phương pháp giáo dục sớm tiên tiến

Trường mầm non chất lượng cao, cơ sở vật chất tốt, nhiều hoạt động ngoại khoá