NHỮNG PHẢN ỨNG CỦA TRẺ SAU TIÊM PHÒNG BA MẸ CẦN LƯU Ý

Trẻ từ 0-9 tuổi phải trải qua rất nhiều mũi tiêm phòng để bảo vệ sức khỏe cả đời. Sau mỗi lần tiêm, nhiều ba mẹ lo lắng khi trẻ có những biểu hiện như sốt, quấy khóc, sưng đỏ vết tiêm, tiêu chảy,... Có khi đó là những phản ứng của trẻ sau tiêm phòng rất bình thường, nhưng cũng có thể là phản ứng bất thường, nguy hiểm cho trẻ. Để biết cách chăm sóc cũng như an tâm hơn sau mỗi lần trẻ tiêm phòng, ba mẹ hãy tham khảo thông tin sau và lưu ý nhé.

Xem thêm: CHĂM SÓC VỊ TRÍ TIÊM SAU TIÊM CHỦNG CỦA TRẺ ĐÚNG CÁCH: CHƯỜM NÓNG HAY CHƯỜM LẠNH?

1. Phản ứng bình thường của trẻ sau tiêm phòng

1.1. Sốt

NHỮNG PHẢN ỨNG CỦA TRẺ SAU TIÊM PHÒNG BA MẸ CẦN LƯU Ý

Sốt là phản ứng bình thường của trẻ sau tiêm phòng. Thông thường, trẻ sốt nhẹ 2 ngày sau tiêm và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, mẹ vẫn nên theo dõi, kẹp nhiệt độ cho trẻ 2-3 giờ/lần. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ thì cần có những biện pháp can thiệp để trẻ hạ sốt.

Lưu ý khi trẻ sốt:

  • Sốt nhẹ: lau người cho bé bằng khăn ấm, lau nhiều ở nách, lưng, lòng bàn tay, bẹn để trẻ mau hạ sốt.
  • Sốt cao trên 38,5 độ: dùng khăn ấm lau người, chườm trán liên tục cho bé; dùng miếng dán hạ sốt, thuốc hạ sốt (đường uống hoặc viên đặt hậu môn). Thuốc hạ sốt dùng cách nhau 4-6 tiếng 1 lần, không quá 60mg/kg/24h, tốt nhất liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Cho trẻ ăn đồ lỏng hơn thường ngày để dễ tiêu hóa vì lúc sốt trẻ thường khó chịu trong người, không muốn ăn.
  • Mẹ cũng nên cho bé uống nhiều nước hoặc bú nhiều sữa mẹ để hạ nhiệt cơ thể.
  • Cho trẻ mặc đồ thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi.

1.2. Sưng đỏ vị trí tiêm

NHỮNG PHẢN ỨNG CỦA TRẺ SAU TIÊM PHÒNG BA MẸ CẦN LƯU Ý

Một số trường hợp sau khi tiêm chủng, tại vị trí tiêm có thể bị sưng, đỏ, đau hoặc cứng vị trí tiêm. Đây cũng là biểu hiện bình thường sau tiêm phòng của trẻ, sẽ tự khỏi sau vài ngày, không cần điều trị gì.

Lưu ý khi vết tiêm sưng đỏ:

  • Không đắp gì lên vị trí tiêm: thuốc mỡ, chanh, khoai tây, chườm đá, chườm nước nóng.
  • Nếu trẻ đau và quấy khóc nhiều thì có thể sử dụng paracetamol với liều hạ sốt để giảm đau cho bé, nên sử dụng liều lượng nhỏ.

Có một số ít trường hợp trẻ bị bầm tím tại vị trí tiêm, đặc biệt khi trẻ có bệnh lí về máu hoặc giảm tiểu cầu. Ba mẹ hãy bình tĩnh và nhờ tư vấn từ bác sĩ. Nếu trẻ bị thiếu yếu tố đông máu hoặc giảm tiểu cầu quá mức có thể được truyền các yếu tố đông máu hoặc tiểu cầu trước khi tiêm chủng.

Ngoài ra, với mũi tiêm BCG (phòng bệnh lao) ở vị trí tiêm có đỏ da và hình thành mụn mủ, mụn mủ vỡ ra tạo thành sẹo lao sau 2 tuần đến 2 tháng hoặc lâu hơn cũng là hiện tượng bình thường. Ba mẹ không cần lo lắng hay tìm cách điều trị gì.

1.3. Rối loạn tiêu hóa nhẹ

NHỮNG PHẢN ỨNG CỦA TRẺ SAU TIÊM PHÒNG BA MẸ CẦN LƯU Ý

Một số trẻ cũng có biểu hiện rối loạn tiêu hóa sau khi tiêm phòng vắc xin phòng tiêu chảy do rotavirus. Trẻ có thể đi ngoài nhiều lần hơn bình thường, 5-6 lần/ ngày và phân loãng. Nhưng ba mẹ cũng yên tâm, phản ứng này sẽ tự hết sau sau 1-2 ngày, chưa cần sử dụng thuốc hay men tiêu hóa.

1.4. Phát ban đỏ hoặc ban mụn nước trên da

Phát ban đỏ (giả sởi) trên da sau tiêm 5-12 ngày tiêm vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella cũng là phản ứng bình thường cho thấy thuốc có tác dụng. Một số trẻ còn nổi vài mụn nước trên da sau tiêm phòng thủy đậu 3-4 tuần. Cũng tương tự những phản ứng bình thường khác của trẻ sau tiêm phòng, các mụn đỏ này thường biến mất sau 1 - 2 ngày nổi lên. Ba mẹ không nên nóng vội mà sử dụng các biện pháp chữa trị khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.

2. Phản ứng bất thường của trẻ sau tiêm phòng

Nếu trẻ chỉ có những phản ứng bình thường như trên thì ba mẹ theo dõi và tự chăm sóc trẻ ở nhà. Nhưng khi trẻ có những phản ứng bất thường sau đây thì cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị kịp thời.

NHỮNG PHẢN ỨNG CỦA TRẺ SAU TIÊM PHÒNG BA MẸ CẦN LƯU Ý
  • Phản vệ: Nếu thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp bị tụt hoặc kẹt, bị khó thở, co thắt thanh quản, co rút cơ thành bụng hay tiêu chảy, da xanh thì khả năng cao là phản ứng phản vệ sau tiêm phòng. Ba mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
  • Phản ứng quá mẫn cấp tính: Thường xảy ra trong vòng 2 giờ sau khi tiêm chủng với 1 hay kết hợp nhiều triệu chứng như thở khò khè, ngắt quãng do co thắt khí phế quản và thanh quản, phù nề thanh quản; phát ban, phù nề ở mặt, hoặc phù nề toàn thân, cần dùng các thuốc kháng histamin, phòng ngừa bội nhiễm, đảm bảo nhu cầu dịch và dinh dưỡng. Trường hợp phản ứng nặng cần cho thở oxy và xử trí như phản vệ.
  • Sốt cao liên tục trên 38,5 độ => cần cho trẻ uống nhiều nước, bú sữa mẹ, đảm bảo dinh dưỡng; dùng thuốc hạ sốt như Paracetamol, Ibuprofen.
  • Trẻ liên tục khóc thét trong nhiều giờ, người mệt lả. Phản ứng thường dịu đi sau 1 ngày hoặc thời điểm đó có thể dùng thuốc giảm đau.
  • Co giật: Sau tiêm trẻ xuất hiện những cơn co giật toàn thân không kèm theo dấu hiệu và triệu chứng tại chỗ, có thể có sốt hoặc không. Cần được điều trị hỗ trợ hô hấp như thông thoáng đường thở, hút đờm rãi, thở ô xy. Dùng thuốc chống co giật như Diazepam và/hoặc thuốc chống co giật khác theo đúng phác đồ xử trí co giật.
  • Chảy dịch: Sau tiêm một vài giờ, nếu sờ chỗ tiêm của trẻ thấy mềm hoặc có dò dịch, có thể là áp xe vô khuẩn hoặc nhiễm khuẩn. Lúc này trẻ cần được chích rạch và dẫn lưu, dùng kháng sinh nếu nguyên nhân do nhiễm khuẩn.

3. Chăm sóc trẻ đúng cách sau tiêm phòng

NHỮNG PHẢN ỨNG CỦA TRẺ SAU TIÊM PHÒNG BA MẸ CẦN LƯU Ý

Thông thường, trẻ sẽ được cho về nhà sau khi tiêm 30 phút - 1 tiếng nếu không có phản ứng bất thường. Ở nhà, ba mẹ cần lưu ý chăm sóc trẻ đúng cách để vết tiêm không bị nhiễm trùng và các phản ứng nặng hơn, kéo dài.

  • Cho bé bú nhiều sữa mẹ, ăn đủ chất, uống nhiều nước để cơ thể khỏe mạnh trước những phản ứng của vắc xin.
  • Mặc đồ thoáng mát cho bé vào mùa hè, ấm vào mùa đông.
  • Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể bé, nhất là về ban đêm trẻ thường phát sốt.
  • Luôn chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt, cao dán hạ sốt trong nhà.
  • Chườm ấm liên tục khi trẻ sốt nhẹ, dùng thuốc theo chỉ định khi sốt cao trên 38,5 độ.
  • Không dùng thuốc chữa các triệu chứng khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.
  • Không sờ hay để trẻ cào cấu vào vết tiêm

Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có biểu hiện bất thường:

  • Sốt cao liên tục trong nhiều giờ trên 38,5 độ, dùng thuốc hạ sốt không đỡ
  • Người co giật, mệt lả đi, hai mắt lừ đừ, gọi hỏi không phản ứng.
  • Tím tái, khó thở (thở nhanh, thở ngắt quãng, thở khò khè, ậm ạch, có rút lõm lồng ngực...)
  • Trẻ quấy khóc, khóc thét kéo dài trên 3 giờ, người lả đi.
  • Trẻ nổi mày đay, chân tay lạnh, nổi vân tím.
  • Trẻ bú kém, bỏ bú hoặc có các phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.
  • Vị trí tiêm sưng, cứng, đau và hạn chế vận động, có quầng đỏ kích thước lớn lan rộng.

Tiêm phòng là điều mà trẻ nào cũng trải qua và nhiều lần trong đời. Ba mẹ cần nắm được thông tin về phản ứng của trẻ sau tiêm phòng để không bỡ ngỡ và biết cách chăm sóc trẻ. Hy vọng bài viết hữu ích với các ba mẹ.

Minh Thu

Bình luận về bài viết

Bạn đang tìm trường mầm non cho bé? Khám phá các trường mầm non tốt gần bạn

Học ngoại ngữ với giáo viên bản ngữ, áp dụng các phương pháp giáo dục sớm tiên tiến

Trường mầm non chất lượng cao, cơ sở vật chất tốt, nhiều hoạt động ngoại khoá