NHẬN DIỆN NHỮNG DẤU HIỆU TĂNG ĐỘNG CỦA TRẺ EM

Nhắc đến trẻ em là người ta nghĩ ngay đến ồn ào, quậy phá, nghịch ngợm. Tuy nhiên, có những mức độ hiếu động được xem là bình thường, còn số khác thì không. Có rất nhiều bậc phụ huynh vẫn còn mơ hồ về điều này, có những đứa trẻ quá hiếu động, không bao giờ ngồi yên hay tập trung làm gì, nhưng bố mẹ lại vô tâm bỏ qua mà không hề biết rằng tình trạng này nếu không sớm được điều trị tốt, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc hình thành tính cách, hành vi, tâm lý trong tương lai của trẻ.

Dưới đây là 5 dấu hiệu đặc trưng giúp nhận biết sớm chứng tăng động ở trẻ, ba mẹ cùng tham khảo nhé:

1. Hiếu động quá mức

Trong khi nhiều phụ huynh lo lắng trước việc con của mình thụ động ít nói, trầm tính và chỉ ngồi một chỗ để xem TV, smartphone thì một số phụ huynh khác lại “khốn khổ” vì các bé nhà mình quá hiếu động, không thể ngồi yên một chỗ, chạy nhảy, vận động quá nhiều, luôn nhấp nhỏm, leo trèo suốt ngày dài.

NHẬN DIỆN NHỮNG DẤU HIỆU TĂNG ĐỘNG CỦA TRẺ EM

Các bé quá hiếu động, không thể ngồi yên một chỗ, luôn chạy nhảy, nhấp nhỏm, bày trò nghịch ngợm suốt ngày dài.

Khi đi học, các bé thường tự do đi lại, không thể ngồi yên 5 – 10 phút để nghe giảng, còn tự ý trốn ra ngoài mà không xin phép cô giáo. Có những gia đình còn phải thuê hai cô bảo mẫu để trông bé. Vậy mà họ cũng phải “chào thua” vì không thể chịu được những trò nghịch ngợm của các siêu quậy nhí: lúc tự dùng gạch đập vào đầu mình, có lần người giúp việc đang ngủ thì ra tè vào mặt…

2. Phản ứng thái quá, liên tục tức giận, bốc đồng

Thỉnh thoảng nhõng nhẽ, khóc nhè và dỗi hờn vu vơ là một trạng thái tâm lý bình thường ở trẻ em. Nhưng nếu thường xuyên và dễ dàng tức giận lại là dấu hiệu cảnh báo cho thấy trẻ đang quá lo lắng, áp lực hoặc mắc hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD). Việc dễ dàng nổi nóng, giận dữ, khó kiềm chế được cảm xúc – cả tốt và xấu, khiến trẻ thường dính vào những cuộc xô xát, ẩu đả với bạn rồi vô tình làm tổn thương mọi người, thậm chí cả người thân trong gia đình. Với tính cách này trẻ sẽ khó kết bạn thân và bị mọi người xa lánh.

NHẬN DIỆN NHỮNG DẤU HIỆU TĂNG ĐỘNG CỦA TRẺ EM

Việc dễ dàng nổi nóng, giận dữ, khó kiềm chế được cảm xúc, khiến trẻ thường dính vào những cuộc xô xát, ẩu đả với bạn.

Với những trẻ bị tăng động, các em cũng hay bốc đồng, nóng nảy, không suy nghĩ trước khi hành động, thích là làm. Nhất là những hành động nguy hiểm như trèo lên cao rồi nhảy xuống hoặc lao nhanh ra đường mà không hề mảy may lo sợ hậu quả sau đó.

3. Khả năng tập trung kém

Triệu chứng điển hình tiếp theo mà đa phần trẻ tăng động đều gặp phải đó là sự thiếu tập trung chú ý, ngay cả khi có người đang trò chuyện trực tiếp với chúng. Sự thiếu tập trung ảnh hưởng khá lớn với những trẻ trong độ tuổi đi học, bởi trẻ dễ dàng bỏ lỡ những bài học quan trọng, dẫn đến kết quả học tập kém, không thể theo kịp bạn bè đồng trang lứa.

NHẬN DIỆN NHỮNG DẤU HIỆU TĂNG ĐỘNG CỦA TRẺ EM

Với những bé trong độ tuổi đi học, việc thiếu tập trung trong lớp khiến kết quả học tập yếu kém, không theo kịp được bạn bè.

Cũng vì sự thiếu tập trung, chú ý nên trẻ bị tăng động rất dễ quên những kế hoạch hay nhiệm vụ mình cần hoàn thành trong ngày, chẳng hạn như: làm bài tập cô giáo giao, thực hiện lời hứa phụ giúp ba mẹ việc nhà, không nhớ rằng mình đã ăn hay chưa… hay có xu hướng chuyển một cách nhanh chóng từ sở thích này sang sở thích khác, có thể thích thú với rất nhiều thứ, nhưng không được lâu. Vì căn bệnh quên trước, quên sau này mà các em cũng hay mất đồ đạc, bút, thước, đồ dùng học tập, bỏ quên đồ chơi ở nhà bạn…

4. Ồn ào, nói và la hét quá nhiều, thiếu kiên nhẫn

Trẻ nói nhiều, thích chen ngang vào câu chuyện của người khác, đôi khi nói những câu vô nghĩa và không ý thức được trong hoàn cảnh nào cần sự yên lặng. Đi nhà trẻ bé toàn bị thầy cô giáo nhắc nhở vì nói chuyện nhiều, hay giật đồ chơi, mắng bạn, la hét ầm ĩ trong giờ ăn ngủ trưa… làm ảnh hưởng tới không chỉ mọi người xung quanh mà khiến cho ba mẹ lo lắng, ngại ngùng với các phụ huynh khác.

NHẬN DIỆN NHỮNG DẤU HIỆU TĂNG ĐỘNG CỦA TRẺ EM

Trẻ nói nhiều, thích chen ngang vào câu chuyện của người khác, đôi khi nói những câu vô nghĩa hay bất chợt la hét không rõ lý do.

Khi trẻ tham gia các hoạt động tập thể, chúng thường gặp nhiều khó khăn khi chờ đến lượt của mình, đồng thời hay thích phá vỡ luật lệ của trò chơi. Các em luôn trong trạng thái thiếu kiên nhẫn, hay bỏ dở công việc giữa chừng - đặc biệt là những hoạt động yêu cầu tư duy logic. Ví dụ lúc thì đang học Toán, bé lại đòi chuyển sang học Tiếng Anh, ngồi chưa được bao lâu thì lại chạy nhảy, đòi ăn quà vặt và từ chối hoàn thành nhiệm vụ…

5. Rối loạn giấc ngủ

Trẻ bị tăng động giảm chú ý thường kèm theo tình trạng mất ngủ, khó ngủ, ngủ không tròn giấc, dễ gặp ác mộng. Trẻ thường ngủ khá muộn, thậm chí 1,2 giờ sáng vẫn lăn lộn trên giường, có trẻ lại hay bị tỉnh giấc giữa đêm và quấy khóc khiến cha mẹ vất vả, mệt mỏi.

NHẬN DIỆN NHỮNG DẤU HIỆU TĂNG ĐỘNG CỦA TRẺ EM

Trẻ cảm thấy khó ngủ, mệt mỏi khi thức dậy, hay gặp ác mộng vào ban đêm.

Trẻ tăng động luôn có cảm giác buồn bực, ngứa râm ran như có côn trùng bò trên tay chân và luôn luôn phải vận động không ngừng mới cảm thấy dễ chịu. Chính sự bồn chồn này khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ, thường bị co giật hoặc cử động chân mạnh dẫn tới bị tỉnh giấc đột ngột giữa đêm. Tuy nhiên, không phải trẻ tăng động nào cũng gặp phải hội chứng chân tay bồn chồn.

Mai Vu Victoria

Bình luận về bài viết

Bạn đang tìm trường mầm non cho bé? Khám phá các trường mầm non tốt gần bạn

Học ngoại ngữ với giáo viên bản ngữ, áp dụng các phương pháp giáo dục sớm tiên tiến

Trường mầm non chất lượng cao, cơ sở vật chất tốt, nhiều hoạt động ngoại khoá