MỘT SỐ LOẠI DỊ ỨNG HAY GẶP Ở TRẺ VÀ CÁCH CHỮA TRỊ

Dị ứng là những phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với dị nguyên “lạ” qua cơ chế miễn dịch. Đây là bệnh lý thường gặp ở trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ bị dị ứng mà không kịp thời chữa trị thì có thể dẫn tới biến chứng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng của trẻ. Dưới đây là một số loại dị ứng hay gặp ở trẻ, ba mẹ nên chú ý và biết cách phòng tránh cũng như chữa trị khi trẻ gặp phải.

1. Viêm da cơ địa

1.1. Biểu hiện

-          Mụn nước nhỏ li li tập trung trên vùng da đỏ ở mặt, cánh tay, hoặc rải rác toàn thân, da khô.

-          Trẻ mới biết đi và trẻ lớn, phát ban thường tập trung quanh đầu gối, cổ tay, khuỷu tay và vùng mắt cá chân.

-          Ngứa, rát da khi các mụn nước vỡ, chảy dịch.

-          Trẻ hay ngứa, khó chịu, mất ngủ vào ban đêm.

1.2. Nguyên nhân

Viêm da cơ địa ở trẻ chủ yếu do yếu tố di truyền. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân làm bệnh khởi phát và tăng nặng:

-          Nóng: Quần áo dày, chất vải nóng, tắm nước nóng, lò sưởi,...

-          Khô: Sử dụng xà phòng, điều hòa, thời tiết khô, nóng...

-          Ngứa: Nhãn mác trên quần áo, lông động vật, cỏ, cát, bụi,...

-          Nhiễm virus hoặc một số bệnh nhiễm khuẩn.

-          Yếu tố khác: Hóa chất, môi trường, yếu tố gây dị ứng,...

1.3. Cách chữa trị và chăm sóc trẻ viêm da cơ địa

Ba mẹ có thể điều trị viêm da cơ địa ở trẻ bằng một số bài thuốc dân gian như tắm cho trẻ bằng nước lá trầu không, chè xanh, lá khế chua,... Kết hợp đó là cho trẻ dùng thuốc uống, thuốc bôi theo hướng dẫn của bác sĩ. Phụ huynh không nên tự ý chữa bằng thuốc ở nhà khi chưa thăm khám bác sĩ để tránh làm bệnh trở nặng hơn bởi tùy cơ địa mỗi trẻ có thể có những lưu ý về dùng thuốc.

Ngoài ra, một số bài thuốc đông y tập trung vào quá trình giải độc và tăng cường chức năng cơ quan nội tạng, được điều chế từ thảo mộc thiên nhiên cũng rất tốt trong việc điều trị viêm da cơ địa của trẻ. Ba mẹ có thể tham khảo tại các cơ sở khám, chữa bệnh Đông y.

1.4. Một số lưu ý khi chăm sóc da trẻ

-          Tắm nước ấm (không quá nóng) cho trẻ, dùng sữa tắm có độ ẩm, tránh sử dụng xà phòng có thể gây kích ứng da, làm bệnh của trẻ thêm nặng.

-          Sử dụng quần áo có chất liệu mềm mại, tránh làm da của trẻ quá nóng

-          Môi trường thoáng mát, nên hạn chế lò sưởi, quạt sưởi.

-          Nếu trẻ bị viêm da quanh miệng liên quan đến thức ăn hoặc nước bọt thì vùng da quanh miệng cần được vệ sinh sạch bằng khăn mềm và ướt, sau đó bôi một lớp kem dưỡng .

2. Dị ứng thức ăn

2.1. Biểu hiện

Dị ứng thức ăn có thể biểu hiện ra ngoài sau vài phút hoặc vài giờ sau ăn. Biểu hiện đa dạng:

-         Da: nổi ban đỏ ngứa quanh miệng, trong miệng hoặc ban đỏ toàn thân, phù môi, phù quanh mắt, phù mặt.

-         Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng.

-         Mắt, mũi: ngứa mắt, chảy nước mắt, ngứa mũi, chảy nước mũi, ngạt mũi.

-        Trường hợp nặng có thể phù thanh môn, co thắt phế quản, tụt huyết áp, thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu không chữa trị kịp thời.

-         Dị ứng thức ăn cũng có thể biểu hiện ra ngoài sau vài ăn

2.2. Nguyên nhân

-         Di truyền từ bố, mẹ

-         Cơ thể trẻ không thích hợp để hấp thụ một số chất.

-        Ăn phải một số thực phẩm dễ gây dị ứng cho trẻ: hạnh nhân, cá, hải sản, trứng (đặc biệt lòng trắng trứng), sữa; trái cây có việt quất, bí đỏ, cà chua, khoai tây, mù tạt; gia vị trong thức ăn như benzoat, salicylate, bột ngọt...... Dị ứng sữa là trường hợp thường gặp nhất ở trẻ.

2.3. Lưu ý khi trẻ dị ứng thức ăn

-          Loại trừ những thực phẩm gây dị ứng ra khỏi chế độ ăn của trẻ.

-          Kiểm tra thành phần trong thức ăn khi mua đồ ăn ngoài cho trẻ.

-          Sử dụng thực phẩm thay thế cái trẻ hay dị ứng để vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.

-          Sử dụng các thuốc điều trị thích hợp cho tình trạng dị ứng, chỉ sử dụng thuốc khi đã có sự tư vấn, thăm khám của bác sĩ chuyên khoa.

3. Dị ứng nổi mề đay

3.1. Biểu hiện

- Dị ứng mề đay cấp tính: sốt nổi mề đay, da sẩn, phù nề, ngứa dữ dội. Cơn ngứa trong vài phút hoặc vài giờ sau đó tự lặn. Với trẻ sơ sinh, trẻ khó thở, quặn bụng, khóc nhiều.

- Dị ứng mề đay mãn tính: nổi mề đay kéo dài hơn 8 tuần, có thể ngắt quãng hoặc liên tiếp nhiều ngày, với nhiều dạng khác nhau.

3.2. Nguyên nhân

- Sức đề kháng của trẻ yếu, dễ nhiễm khuẩn, virut xâm nhập qua đường hô gấp, gây bệnh. 

- Trẻ dị ứng một số thức ăn như hải sản, một số loại thịt,..

- Trẻ mẫn cảm với một số thành phần của thuốc

- Trẻ tiếp xúc với một số loại côn trùng, vi khuẩn gây bệnh.

- Di truyền từ bố mẹ.

- Trẻ mắc một số bệnh hệ thống như Luput ban đỏ, u ác tính, bệnh cường tuyến giáp. 

3.3. Cách chăm sóc trẻ dị ứng nổi mề đay

- Nếu con tiếp xúc với đồ vật nào đó rồi dị ứng thì loại bỏ đồ đó ra xa con (khi đi khám bác sĩ thì mang theo để bác sĩ xác định thành phần gây dị ứng).

- Loại bỏ những thức ăn làm con dị ứng ra khỏi bữa ăn, chủ yếu đồ sữa đặc có đường, trứng tươi, bơ sữa, hải sản,…; hạn chế lượng muối trong thức ăn của trẻ.

- Luôn giữ sạch cơ thể trẻ để tránh viêm nhiễm lây lan, tăng nặng; khi tắm không nên chà xát mạng, thoa, vỗ nước nhẹ nhàng; tắm rửa bằng nước ấm, không quá nóng.

- Cho trẻ mặc quần áo cotton, thoáng mát.

- Ngăn cản khi trẻ ngứa, muốn gãi.

- Bổ sung dưỡng chất cho trẻ, khoáng chất và vitamin để tăng sức đề kháng.

- Không tự ý dùng thuốc khi chưa có bác sĩ thăm khám và chỉ dẫn.

- Tuyệt đối KHÔNG thoa dầu gió lên da bé để bớt ngứa, dầu nóng có thể gây bỏng da ở trẻ. Không áp dụng những bài thuốc dân gian khi trẻ sơ sinh bị nổi mề đay bởi chúng có thể gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Trên đây là một số loại dị ứng hay gặp ở trẻ em, ba mẹ hãy lưu ý để phòng khi bé nhà mình mắc phải. Hy vọng thông tin trên hữu ích cho ba mẹ. 

Minh Thu

Bình luận về bài viết

Bạn đang tìm trường mầm non cho bé? Khám phá các trường mầm non tốt gần bạn

Học ngoại ngữ với giáo viên bản ngữ, áp dụng các phương pháp giáo dục sớm tiên tiến

Trường mầm non chất lượng cao, cơ sở vật chất tốt, nhiều hoạt động ngoại khoá